1. Lợi ích khi nuôi thỏ
Nuôi thỏ thời gian ngắn, thỏ sinh sản nhanh và nhiều, chỉ từ 6-7 tháng tuổi thỏ có thể sinh sản. Thời gian mang thai chỉ 1 tháng và trung bình mỗi lứa thỏ đẻ được 6-7 con
Nguồn thức ăn cho thỏ rất dễ kiếm, và chi phí rẻ, chủ yếu là các loại rau, củ, quả,lá cây,…
Khả năng cung cấp sản phẩm thịt nhanh và chất lượng thịt ngon
2. Kỹ thuật nuôi thỏ
Kỹ thuật chăn nuôi thỏ phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhất là các khâu chọn giống, và cách chăm sóc. Để chăn nuôi thỏ có năng suất đem lại lợi nhuận kinh tế cao làm giàu cho bà con nông dân chúng ta đặc biệt chú ý quá trình chăn nuôi thỏ sao cho đúng kỹ thuật, đúng quy trình.
3. Cách lựa chọn giống
Chọn giống thỏ tốt có khả năng sinh trưởng và sinh sản cao. Nên chọn những con thỏ nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Chọn những con thỏ con lông mịn, không cần quá mập nhưng có chiều dài và rộng tương đương nhau.
Việc chọn con giống còn tùy thuộc vào điều kiện hiện có của hộ gia đình. Việc chọn giống nuôi có vai trò rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển đàn, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và hiệu quả chăn nuôi.
4. Cách làm chuồng trại
4.1. Điều kiện cơ bản
Chuồng trại phải đảm bảo sự thông thoáng, sạch sẽ, tránh mưa tạt, gió lùa và chắc chắn. Làm chuồng nên cách xa khu nuôi của các loài gia súc khác.
Chuồng thiết kế sao cho ít tốn công khi tiến hành chăm sóc, quét dọn vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi,
Vật liệu khi làm chuồng là các vật liệu như tre, nứa,…dễ tìm, rẻ tiền, bền và đảm bảo an toàn.
4.2. Quy cách chuồng nuôi
Chuồng nuôi nên thiết kế thành nhiều dãy lồng, thường mỗi lồng dài 90cm, rộng 60cm. Trong mỗi lồng cần bố trí máng để thức ăn.
Khi làm chuồng nên đặt ở dưới gốc cây có bóng mát ở ngoài vườn, chống được mưa nắng, sạch sẽ, dễ dàng quét dọn vệ sinh.
5. Nguồn thức ăn cho thỏ
5.1. Thức ăn xanh
Thỏ có thể ăn được hầu hết các loại lá cây và cỏ trong tự nhiên. Các loại cây như mít, chuối, xoan,…thức ăn xanh thích hợp với đặc tính tiêu hóa của thỏ.
5.2. Thỏ ăn các loại rau và lá cây
Nên sử dụng các loại rau mọc nơi khô cạn bởi những loại rau này không sợ bị nhiễm trứng sán lá gan dễ gây bệnh cho thỏ gồm các loại rau như: rau sam, rau nhọ nồi, rau dền dại,…
Những loại rau như: rau muống, rau dền, rau lang, rau cải và su hào, bắp cải,…thường chứa nhiều nước và được bón nhiều phân hữu cơ nên khi sử dụng nhiều thỏ dễ bị ỉa chảy.
5.3. Các loại lá cây dại và cây trồng, cây dây leo
Đối với lá chuối nên sử dụng cả thân và lá cho thỏ. Lá chuối có vị chát giúp thỏ chống được bệnh tiêu chảy. Ngoài ra có thể cho thỏ ăn các loại cây leo như: dây lang, cây lạc, cây đậu và có thể sử dụng lá sắn tươi cho thỏ ăn trực tiếp. Đặc biệt lá mít, lá tre, lá chè tươi có thể sử dụng cho thỏ ăn quanh năm.
5.4. Sử dụng thức ăn tinh
Sử dụng các loại củ quả như ngô, khoai, sắn, thóc, lúa để làm thức ăn cho thỏ. Có thể phối trộn thức ăn cho thỏ theo công thức: 60% bột ngô+ 10% cám gạo, cám sắn+15% cám công nghiệp. Sau khi trộn đưa vào máy ép thành viên sử dụng ngay hoặc có thể phơi khô để sử dụng trong nhiều ngày.
6. Cách cho thỏ ăn đúng cách
- Với thức ăn xanh, không nên dự trữ quá lâu, trước khi cho thỏ ăn cần rửa thật sạch và phơi chúng trong bóng mát cho ráo nước để hạn chế tình trạng chướng bụng, đầy hơi do trong thức ăn có chứa quá nhiều nước
- Đối với thức ăn dạng tinh thì nên phơi khô, không nên nghiền thức ăn quá nhỏ
- Cần cho thỏ ăn đúng giờ để tập cho thỏ có phản xạ, tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng ở mức tối đa
- Vào ban ngày nên cho thỏ ăn thức ăn tinh, còn đối với thức ăn xanh thì nên cho ăn vào buổi chiều và tối
- Sau khi thỏ ăn xong, nên dọn dẹp để loại bỏ đi phần thức ăn dư thừa tránh tạo điều kiện cho nấm mốc và vi khuẩn sinh sôi.
7. Chú ý phương pháp phòng bệnh cho thỏ
Thỏ là loài gia súc rất nhạy cảm, sức đề kháng của cơ thể kém, dễ nhiễm mầm bệnh và phát triển thành dịch. Chính vì vậy khi nuôi thỏ cần lưu ý thực hiện đúng 3 nguyên tắc: ăn sạch, ở sạch, uống sạch đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ.
Bổ sung vitamin cho thỏ để tăng sức đề kháng. Ngoài ra cần thường xuyên theo dõi đàn thỏ để phát hiện dịch bệnh. Định kỳ hàng tháng phun thuốc khử trùng một lần; nên rắc vôi khử trùng tiêu độc.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức để chăn nuôi thỏ đạt hiệu quả và đem lại lợi nhuận kinh tế cao.