1. Tìm hiểu thân cây ngô
Thân cây ngô là nguồn thức ăn chứa nhiều hàm lượng dinh dưỡng rất cao nên được dùng làm thức ăn cho các vật nuôi như bò, trâu, hươu,…Vào mỗi vụ thu hoạch số lượng thân cây ngô quá nhiều nên thường bị bỏ đi hoặc dùng làm chất đốt rất lãng phí. Chính vì vậy, để giúp bà con chăn nuôi tận dụng được nguồn thức ăn cho vật nuôi của mình nên có những phương pháp ủ chua thân cây ngô đem lại hiệu quả đảm bảo chất lượng thức ăn cho vật nuôi.
2. Thời gian thu hoạch cây ngô để ủ chua
Sau khi ngô đã thu hoạch, chúng ta sẽ lấy thân cây ngô để tiến hành ủ chua. Đặc biệt nếu chỉ ủ chua những cây ngô không bắp sẽ không tạo ra được loại thức ăn có chất lượng tốt.
3. Chuẩn bị trước khi tiến hành ủ chua
3.1. Phơi héo thân cây ngô
Trước khi tiến hành ủ chua chúng ta cần phơi héo thân cây ngô khoảng nửa ngày (tùy theo vào thời tiết), không nên phơi quá khô trước khi băm nhỏ. Trong lúc phơi khô cứ 2 giờ cần trở đảo một lần để cây khô héo đều, tránh tình trạng lớp trên thì khô mà lớp bên dưới vẫn tươi.
Khi các nếp trên lá để lại đường không rõ ràng và ẩm nhưng không rỉ nước, lá không bị gãy nát tức độ ẩm của chúng đạt tiêu chuẩn để đem đi ủ chua.
3.2. Tỷ lệ nguyên liệu ủ chua
Nguyên liệu | Thành phần (kg) |
Cây ngô / vỏ bắp tươi đã phơi héo | 100 |
Cám gạo | 4 |
Bột sắn | 4 |
Rỉ mật | 5-10 |
Nước sạch | 10-20 |
Muối ăn | 0,5 |
4. Phương pháp ủ chua thân cây ngô làm thức ăn chăn nuôi
Trước khi tiến hành ủ chua, chúng ta cần băm nhỏ thân cây ngô đã phơi héo thành từng đoạn nhỏ từ 1-4 cm. Để tiết kiệm thời gian và đạt năng suất bà con nên dùng dòng máy băm cỏ đặc biệt dòng máy chuyên dùng để băm thân cây ngô, cỏ voi, các phụ phẩm nông nghiệp khác.
Thân cây ngô sau khi được băm xong, đem đi trộn cùng các nguyên liệu theo tỷ lệ chuẩn.
Dọn hố ủ thật sạch sau đó rải một lớp đá, sỏi xuống đáy hố rồi rải một lớp rơm khô dày khoảng 10 cm lên trên mặt đá, sỏi, nén chặt từng lớp dày 15-20cm cho đến khi hết nguyên liệu ủ chua. Sau đó phủ kín hố ủ bằng lớp đất dầy 30-40 cm, che phủ cẩn thận bằng nilon.
Sau khi ủ chua bà con cần thường xuyên kiểm tra quanh hố ủ và các thành vách xung quanh xem có bị hư hỏng gì không
5. Cách sử dụng
Sau khoảng 72 giờ sau khi đóng hố ủ, quá trình lên men yếm khí dừng lại và cây ngô thức ăn hoặc các phụ phẩm trồng ngô sẽ chuyển thành thức ăn ủ chua. Khi đó, bắt đầu một thời kỳ ổn định, kéo dài khoảng 6-7 tuần, thức ăn ủ chua này có thể cho gia súc nhai lại ăn bắt đầu từ tuần thứ 8.
Thức ăn sau khi ủ chua có màu vàng không đậm, không mốc, có thể bảo quản được từ 6 tháng đến 1 năm.
6. Cách cho gia súc ăn
Trong 2-3 ngày đầu cho gia súc ăn 2 bữa/1 ngày thay vì 3 bữa/1 ngày để gia súc đói và cảm giác thèm ăn
Những ngày tiếp theo tăng dần lượng thức ăn ủ chua lên chiếm ¼ khẩu phần ăn hằng ngày của gia súc, bữa ăn trong ngày cũng được đảm bảo.
Cho gia súc ăn trực tiếp, không cần nấu chin vì sẽ làm mất đi vitamin và các chất dinh dưỡng
Trâu bò khi được ăn thức ăn ủ chua chúng sẽ béo khỏe, lớn nhanh, cày kéo tốt và tiết kiệm được thức ăn tinh bổ sung.
Trên đây là bài viết hướng dẫn cách ủ chua thân cây ngô làm thức ăn cho gia súc đơn giản và rất hiệu quả, cảm ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi, chúc bà con thực hiện thành công!